Tôi cho rằng, nếu chưa nghĩ ra đề tài gì để sáng tác, tôi sẽ tìm đọc những sáng tác của Thầy và bạn tôi, thế nào tôi cũng tìm ra một "manh mối" mới.
 
Y như rằng vừa mới đây, tôi đọc bài "Dấu xưa" của anh Huỳnh Hữu Thế. Tâm trạng của anh, ít nhiều cũng là tâm trạng của một số đông học viên mỗi khi đi ngang qua Ngôi Trường cũ. Nếu nhắc về Trường cũ thì mở Trang Nhà, tôi tìm lại bài viết của Thầy Trần Tấn Miêng: "Nông Lâm Súc Bình Dương, một thời để nhớ".
 
Một vài bạn hay than: không biết cách nào đọc được những bài viết trên Trang Nhà! Cứ dây mơ rễ má một hồi khiến tôi nhớ lại vụ án chính bản thân tôi cũng từng dở khóc dở cười với chuyện học sử dụng máy vi tính.
 
Hồi tôi vừa vào tuổi bốn mươi, anh tôi mang máy về rủ tôi học vi tính. Lúc đó mắt tôi phải mang kính lão rồi, hậu quả của những ngày chăm chú vào kim khâu. Nhìn lên màn hình, những dòng chữ chi chít không chịu đứng yên, chúng nhảy múa loạn xạ khiến tôi hoa mắt, nhức đầu rồi đến chóng mặt. Tôi nghĩ bụng: tối ngày mình cắm đầu vào máy may, đói thì lăn vô bếp, mình học vi tính làm cái gì? Tôi bỏ học không một lời giải thích. Anh tôi hầm hầm, không phải lo lắng vì sợ tôi dốt, mà ảnh tiếc cái máy bỏ không. Thiệt tình! Thật ra thì tôi cũng tiếc, đành vậy.
 
Tôi không đoán được sẽ có ngày tôi phải vất vả với chuyện sử dụng vi tính. 
 
Ai lỡ vướng vào câu chuyện của tôi, phải ráng chịu khi bị tôi hài tên ra nhé.
 
Một lần, lớp Văn của tôi họp mặt tại quán Vườn Mai, tình cờ tôi gặp Thầy Miêng, anh Bình, anh Hai, một anh ở Na Uy về và hai cô học trò Áo Nâu cùng Trường. Nhìn thấy cái iPad trên tay tôi, anh Hai nhờ tôi mở Trang Nhà ra, anh ấy cần bàn chuyện gì đó với Thầy và cần tư liệu. Tôi mở Trang Nhà đưa qua, anh ấy bảo không phải. Mở cho anh Trang hải ngoại.
 
Tôi hỏi:
 
- Trang Hải Ngoại là trang gì, em đâu biết mở!  (Đây là lần đầu tôi gặp anh Hai, tôi biết anh là nhờ hình ảnh trên Trang Nhà).
 
Anh cố giữ phép lịch sự giữa hai người mới gặp lại nhau. Có thể anh nghĩ không lý gì nhỏ này biết mở Trang Nhà lại bảo không biết Trang Hải Ngoại! Tôi thuộc dạng nhanh nhẹn trong việc đối phó nên trấn cái iPad vô tay anh. Sau khi xong việc, anh trả iPad lại, nhưng hình như có cái gì cắn rứt ổng, ổng hỏi bằng một giọng khá nghiêm trọng: 
 
- Chuyện em không biết Trang Hải Ngoại là đùa hay thật vậy Thanh?"
 
- Là thật.
 
- Lý do?
 
Bất ngờ có người hạch sách mình bằng cái giọng kẻ cả, tôi đáp với vẻ khó chịu:
 
- Thì tại em dốt vi tính, anh tin không? 
 
Anh Hai cũng không vừa:
 
- Tin chớ!
 
Trời thần ạ! Tôi chưa thấy ai thẳng thắn như ông nội này; khẳng định cái dốt của tui.
 
Nếu như mà tôi có thú nhận mình dốt, trước mặt mọi người, ổng cũng giữ chút thể diện cho tôi. Có đâu mà...  Cũng may nhỏ bạn ngồi kế bên tôi gà mờ giống tôi, nên tôi nghĩ chắc không vấn đề gì. Vậy chớ tôi ôm cục giận mãi đến nay, hy vọng nói ra xong sẽ bớt.
 
Thời gian sau đó, biết tôi dốt nhưng anh Hai vẫn "dụ khị" tôi tham gia việc lập danh sách, vì rõ ràng anh thấy tôi lanh lẹ. Chọn một người như tôi, Ban Biên Tập cũng trần ai khổ ải lắm chứ không vui vẻ gì. Thôi kệ, cũng xong hết rồi. Tôi cũng được các anh chị gọi điện cám ơn lia lịa. 
 
Có phải chúng ta đã từng gặp gỡ, từng cách xa, rồi từng hội tụ về đây là một duyên may!
 
Chữ "đây" được hiểu là những nơi Thầy trò ta họp mặt. Còn một nơi, dù không được nhìn thấy mặt nhau, nhưng góp phần không nhỏ trong việc biết tin nhau, biết tâm tư tình cảm nhau qua bài viết, đó chính là hai Trang Nhà. 
 
Ngày làm quen với vi tính và Trang Nhà, tôi đọc bài "Nông Lâm Súc Bình Dương, MỘT THỜI ĐỂ NHỚ", tôi nghe mắt mình cay cay!
 
Bài viết ấy vẽ lại trong trí tôi một khung trời ngày cũ, có Thầy Cô, có khu thực hành nông trại, có sinh hoạt bước đầu ngày khởi nghiệp Ngôi Trường, có những ân tình nặng mang của Thầy giáo đối với học trò và ngược lại, tình nghĩa của trò dành cho Thầy trong giai đoạn khốn khó lúc Trường vừa tan. Lúc đó, ai lo phận nấy, bữa đói bữa no, tranh giành từng giây phút sống của dòng đời khắc nghiệt. Có cô học trò khoá 3 bươn chảy ngược xuôi đi buôn chuyến, ghé qua nhà Thầy trao cho Cô mười đồng và một bao than! Trị giá món quà ấy không thể sánh bằng tiền. Đó là tất cả tấm lòng đáng quý của một học trò lúc gian nan mà bây giờ, thời điểm sung túc, chúng ta có làm gì, cũng không bằng chị, khi xưa!
 
Đôi dòng nhắc chuyện cũ để hâm nóng lại một khối tình. 
 
Và cũng để nhớ những gì hai Trang Nhà đã mang lại cho chúng ta như nhịp cầu nối yêu thương.
 
Vô cùng thân mến...
 

Kim Thanh