Dòng sông nào cũng đều xuôi về biển cả. Cuộc đời người rồi cũng nhắm mắt buông tay, còn lại chăng những kỷ niệm trải dài theo năm tháng. Kỷ niệm của tuổi ấu thơ, kỷ niệm của những ngày tháng được cắp sách đến trường còn đọng mãi trong từng trang ký ức.

Khó có thể nào quên được bài văn của Thanh Tịnh: “Hằng năm cứ vào cuối Thu, lá ngoài đường rơi rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc...”

Những năm tháng ngồi dưới mái trường thân yêu, Tiểu Học-Trung Học-Đại Học, đã cho ta nhiều kỷ niệm khó quên. Nhưng có ai còn nhớ lại kỷ niệm của dãy bàn cuối lớp mình không?

Có những điều chúng ta học ở nhà trường và trường đời lại mâu thuẩn với nhau. Ví dụ như vấn đề "Trọng Nam khinh Nữ." Từ gia đình đến xã hội do ảnh hưởng phong tục tập quán ăn sâu vào trong sinh hoạt hằng ngày, người ta hay nói: "Con trai không vào bếp, không được làm những công chuyện dành cho phái nữ."

Ngược lại khi đến trường, nếu lớp học có trai gái học chung thì lại thấy dân kẹp tóc bao giờ cũng được ưu tiên ngồi ở những dãy bàn phía trên, còn dân húi cua thì bao phần phía dưới.

Có lẽ đây là một ví dụ việc "Trọng Nam khinh Nữ" bị phá lệ. Điều nầy không biết hư thực ra sao, nhưng đối với tôi và dân húi cua mỗi khi vào lớp học phải chấp nhận việc "Trọng Nữ khinh Nam" qua cách học trò phân phối chổ ngồi trong lớp.

Lớp học ngày xưa nếu nam nữ học chung thì thường gái ngồi bên trái, nam ngồi bên phải, hoặc dương thịnh âm suy thì gái ngồi 1/3, còn lại nam chiếm hết. Riêng tôi và các bạn nào lỡ cao giò, cao cẳng đành chấp nhận dãy bàn cuối lớp làm tuyến phòng thủ. Mặc dù không được cao ráo gì cho lắm nhưng nhờ giọng nói ồn ào, lanh lẹ nên mỗi khi Thầy Cô đọc bài cho học trò mình ghi chép, tôi được hân hạnh lập lại lời nói của Cô Thầy, thế là mình xí được chổ ngồi cuối lớp.

Thông thường những dãy bàn đầu thường dành cho dân siêng học, chăm chỉ, ít phá phách (không dám nói lùn à nha). Còn dãy cuối thường dành cho đám trời ơi, đất hởi, thường hay cúp cua mỗi khi không thuộc bài hay lỡ hẹn hò với ai đó…

Còn dãy phía sau bên phía nữ nếu muốn ngồi thì phải bắt thăm xí chổ: nhất cận thân-nhì cận lân. Có lần mình phải năn nỉ, ỉ ôi đổi chổ để được ngồi phía sau dân kẹp tóc. Ối giời ơi, cả một khung trời mơ mộng:

Tóc em chải rẽ đường ngôi
Cọng nào chẻ bốn cho mình với ta
Thương sao mái tóc đuôi gà
Sợi thương, sợi nhớ chỉ ta với mình.
 
Hoặc,
 
Ngồi sau ngắm tóc em dài
Mùi hương trinh nữ làm ngây ngất lòng.
 
Hẳn nhiên được ngồi dãy bàn cuối lớp mặc tình mình nhìn lén mấy nàng, mặc tình bình phẩm. Trong số đó cũng có những anh chàng lỡ thương thầm nhớ trộm, bài học không ghi nhưng thơ tình thì đầy trang giấy học trò. Chưa kể những tình huống chọc phá xảy ra, nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò của đám mày râu cuối lớp, làm mấy nàng khó chịu. Để rồi mấy chục năm sau, gặp lại nhau nhắc về những kỷ niệm cũ cả một trời thương nhớ.
 
Xin cám ơn dãy bàn cuối lớp
Cho tôi nhiều kỷ niệm ấu thơ
Nghìn năm vẫn mãi đợi chờ
Tình nầy vẫn mãi đi vào thiên thu.

 

Hai Râu NLSBD 

11-2020